285 Fulton St, New York, NY 10006Bản đồ
Màn đi dây qua Trung tâm Thương mại Thế giới ngày 7 tháng 8 năm 1974
Ngày 7 tháng 8 năm 1974, Philippe Petit đã trình diễn màn đi dây thăng bằng giữa đỉnh tháp đôi Trung tâm Thương mại Thế giới. Khoảng cách giữa 2 tòa nhà là 42 m, cuộn cáp mà Petit sử dụng để bắc giữa 2 tòa nhà dài 61 m, nặng 440 lbs (200 kg). Ở độ cao hơn 400 m và không có đồ bảo hộ, Petit bắt đầu màn đi dây giữa 2 công trình cao nhất thế giới bấy giờ chỉ với một cây sào dài 9.1 m nặng 25 kg. Màn trình diễn của ông kéo dài 45 phút với 8 lần qua lại sợi cáp. Sau màn trình diễn, ngay sau khi rời khỏi dây, Petit ngay lập tức bị bắt. Mặc dù bị cáo buộc tội quấy rối trật tự, Chính quyền đã xử ông trắng án với điều kiện ông phải biểu diễn đi dây miễn phí tại Công viên Trung tâm cho trẻ em. Sự kiện sau này được chuyển thể thành phim Man on Wire năm 2008 và phim Bước đi thế kỷ năm 2015.
Ngày 13 tháng 2 năm 1975, một vụ hỏa hoạn mức độ 3 bất chợt bùng lên ở tầng 11 của tháp Bắc, sợi cáp điện thoại bị bén lửa, cháy lan theo đường dẫn dây, cáp, ống chạy dọc giữa các tầng, khiến lửa bao phủ từ tầng 9 đến tầng 14. Những khu vực bị cháy lan được dập tắt ngay lập tức, còn ngọn lửa khởi phát ở tầng 11 chỉ được khống chế hoàn toàn vài giờ sau đó, thiệt hại chủ yếu tập trung ở tầng 11, các tủ đựng giấy và hồ sơ, cồn phục vụ cho việc in ấn, cùng các thiết bị khác trong văn phòng vô tình trở thành nhiên liệu khiến ngọn lửa cháy dữ dội hơn. Lớp chống cháy bảo vệ các cấu trúc thép nên ngọn lửa hầu như không gây tổn hại gì đến kết cấu của tháp. Một phần nước để dập lửa được lấy từ các tầng thấp hơn bên dưới. Vào thời điểm đó, Trung tâm Thương mại Thế giới chưa được lắp đặt hệ thống chữa cháy sprinkler.
Đêm ngày 20 tháng 2 năm 1981, là một buổi tối đầy sương mù cùng những cơn mưa nặng hạt, một chiếc Boeing 707 của hãng hàng không Aerolíneas Argentinas mang số hiệu 342 đang chuẩn bị hạ cánh xuống sân bay JFK thì các nhân viên tại trạm kiểm soát không lưu phát hiện chiếc máy bay đã hạ độ cao quá sớm. Khi được phát hiện, máy bay ở độ cao chỉ 1,500 feet (457.2 m) so với mặt đất, nguy cơ đâm trúng ăng-ten tại tháp Bắc, hoặc tệ hơn là đâm trúng tháp Bắc, là rất cao. Kiểm soát viên không lưu Donald Zimmerman đã phát đi báo động đến chiếc Argentine 342, nhờ đó máy bay không bay trực diện vào tòa tháp.
Vào lúc 12:17:37 trưa ngày 26 tháng 2 năm 1993, vụ tấn công khủng bố đầu tiên xảy ra. Một chiếc xe tải Ryder bên trong chứa 1,336 pound (606 kg) chất nổ do Ramzi Yousef sắp đặt, đã phát nổ ở gara dưới tầng hầm tháp Bắc. Vụ nổ tạo ra một hố sâu 100 feet (30 m) xuyên qua 5 tầng hầm, trong đó tầng B1 và B2 chịu thiệt hại nặng nhất, cấu trúc tầng B3 bị ảnh hưởng đáng kể, biến dạng. 6 người thiệt mạng, hơn 1,000 người bị thương, nhiều người trong số đó hít phải khí độc từ vụ nổ. Sheikh Omar Abdel Rahman cùng 4 cá nhân khác bị kết án do có nhúng tay tham gia vào vụ đánh bom, trong khi Yousef và Eyad Ismoil bị kết án vì nhận lệnh và thực hiện vụ đánh bom. Theo lời chủ tọa phiên tòa, mục đích chính của những kẻ chủ mưu tại thời điểm của cuộc tấn công đó là đánh sập một góc của tháp Bắc khiến tháp mất thăng bằng, sau đó đổ nhào vào tháp Nam, kéo theo cả 2 cùng đổ sập xuống.
Sau vụ đánh bom, nhiều tầng bị phá hủy buộc phải sửa chữa nhằm khôi phục lại kết cấu chịu lực của cột. Những bức tường hào chống thấm rơi vào tình trạng nguy hiểm khi mà bị mất đi tấm sàn hỗ trợ chống lại áp lực nước từ sông Hudson ở phía bên kia. Khu vực làm lạnh ở tầng B5, nơi điều hòa không khí cho toàn bộ khu phức hợp WTC, bị hư hỏng nặng. Sau vụ đánh bom, Cảng vụ đã lắp đặt đường phát quang trên dãy cầu thang bộ. Hệ thống báo cháy của toàn bộ khu phức hợp cần phải được thay thế do các thiết bị và dây điện bị phá hủy. Sau vụ khủng bố bằng bom, người ta cho xây dựng một hồ phản chiếu nhằm tưởng niệm các nạn nhân đã thiệt mạng trong vụ nổ, tên các nạn nhân được khắc xung quanh hồ. Tuy nhiên, hồ nước đã bị phá hủy trong vụ 11/9, tên của 6 nạn nhân thiệt mạng trong vụ 1993 sau được khắc trên hồ Bắc tại Bảo tàng Tưởng niệm Quốc gia 11/9.
Giải vô địch cờ vua thế giới 1995 được tổ chức tại tầng 107 tháp Nam.
Vào ngày 14 tháng 1 năm 1998, Ralph Guarino, một thành viên của tổ chức Mafia, đã lấy được thẻ ra vào tòa nhà rồi lập thành một đội 3 người để hành động. Nhóm của Ralph Guarino đã cướp đi 1.6 triệu đô-la tiền mặt khi công ty bảo vệ Brink's đang vận chuyển số tiền lên tầng 11 tháp Bắc.
Năm 1998, Cảng vụ xác nhận thông tin muốn tư hữu Trung tâm Thương mại Thế giới. Cụ thể, Cảng vụ mở gói thầu cho thuê toàn khu Trung tâm Thương mại Thế giới trong thời hạn 99 năm. Năm 2001, Cảng vụ bắt đầu tìm kiếm những bên có ý muốn tham gia gói thầu. Những nhà đầu tư tham gia đấu thầu bao gồm công ty Vornado Realty Trust, liên danh Brookfield Properties và Boston Properties, liên danh Silverstein Properties và Westfield Group. Số tiền thu được từ việc tư hữu Trung tâm Thương mại Thế giới sẽ được đưa vào ngân sách thành phố, cung cấp vốn cho các dự án khác từ Cảng vụ. Ngày 15 năm 2 năm 2001, Cảng vụ thông báo công ty Vornado Realty Trust đã trúng gói thầu cho thuê 99 năm với mức giá 3.25 tỉ USD, cao hơn Silverstein 600 triệu USD và Brookfield 750 triệu USD, mặc dù sau đó bên Silverstein đã đẩy mức giá đề nghị lên 3.22 tỉ, Brookfield đẩy lên 3.1 tỉ, Vornado vẫn thắng. Vornado có 20 ngày để ký xác nhận vào bản hợp đồng kể từ ngày 22 tháng 2 năm 2001, quá thời hạn, Cảng vụ sẽ chuyển sang thương lượng với các đối tác còn lại. Tuy nhiên Vornado đã yêu cầu thay đổi thỏa thuận vào phút chót, trong đó bao gồm giảm thời gian thuê xuống còn 39 năm thay vì 99 năm, điều mà Cảng vụ cho là không thể thương lượng. Vornado sau đó rút lui, Silverstein dành được gói thầu.
Vào sáng thứ Ba ngày 11 tháng 9 năm 2001, bốn máy bay thương mại từ Đông Bắc Hoa Kỳ được lên kế hoạch hạ cánh xuống California. Khi những chiếc máy bay này đang trong lộ trình bay, chúng đã bị cướp bởi 19 tên khủng bố al-Qaeda. Hai trong số đó, chuyến bay 11 của American Airlines và chuyến bay 175 của United Airlines, lần lượt đâm vào tòa tháp Bắc và Nam của khu phức hợp Trung tâm Thương mại Thế giới ở Hạ Manhattan. Trong vòng 1 giờ 42 phút, cả hai tòa tháp 110 tầng đều sụp đổ. Sự sụp đổ của Trung tâm Thương mại Thế giới đã mở đầu cho sự sụp đổ của cấu trúc các tòa Trung tâm Thương mại Thế giới khác bao gồm Trung tâm Thương mại Thế giới số 7 và làm hư hại đáng kể những tòa nhà xung quanh. Chuyến bay thứ ba, chuyến bay 77 của American Airlines, khởi hành từ Sân bay Quốc tế Dulles đã bị cướp khi bay qua Ohio. Lúc 9:37 sáng, chuyến bay 77 đã đâm vào phía tây Lầu Năm Góc (trụ sở của quân đội Mỹ) ở quận Arlington, Virginia, làm sụp đổ một phần. Chuyến bay thứ tư và cũng là cuối cùng, chuyến bay 93 của United Airlines, ban đầu bay về hướng Washington, D.C. nhưng đã rơi xuống một cánh đồng ở Xã Stonycreek, Pennsylvania, gần Shanksville, lúc 10:03 sáng, sau cuộc giằng co giữa hành khách và không tặc. Các nhà điều tra xác định rằng mục tiêu của chuyến bay 93 là Điện Capitol hoặc Nhà Trắng.
Ngay sau khi các cuộc tấn công xảy ra, mọi mối nghi ngờ nhanh chóng đổ dồn về phía Al-Qaeda. Hoa Kỳ chính thức đáp trả bằng việc phát động Cuộc chiến chống khủng bố và đưa quân vào Afghanistan nhằm hạ bệ Taliban, vốn không tuân theo yêu cầu của Mỹ về việc trục xuất Al-Qaeda ra khỏi Afghanistan và dẫn độ thủ lĩnh Osama bin Laden. Nhiều quốc gia đã tăng cường ban hành các pháp lệnh chống khủng bố, mở rộng quyền hạn của những cơ quan thực thi pháp luật và cơ quan tình báo để ngăn chặn các cuộc tấn công khủng bố. Mặc dù ban đầu bin Laden phủ nhận bất kỳ sự liên quan nào, nhưng vào năm 2004, ông chính thức thừa nhận trách nhiệm về các vụ tấn công. Al-Qaeda và bin Laden cho rằng sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với Israel, sự hiện diện của quân đội Hoa Kỳ ở Ả Rập Xê-út và các biện pháp trừng phạt nhằm vào Iraq là nguyên do chính. Sau khi sống ẩn dật trong gần một thập kỷ, bin Laden bị ám sát trong một cuộc đột kích của quân đội Mỹ ở Pakistan vào năm 2011.
Việc Trung tâm Thương mại Thế giới và cơ sở hạ tầng lân cận bị phá hủy đã làm tổn thất nghiêm trọng đến nền kinh tế của thành phố New York và gây ra một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu. Không phận dân sự của Hoa Kỳ và Canada đã phải đóng cửa cho đến ngày 13 tháng 9, trong khi phiên giao dịch trên Phố Wall bị ngừng trệ cho đến ngày 17 tháng 9. Nhiều nơi đóng cửa, sơ tán và dỡ bỏ diễn ra sau đó nhằm bày tỏ sự thương tiếc hoặc lo ngại về các cuộc tấn công tiếp theo. Việc dọn dẹp khu vực Trung tâm Thương mại Thế giới được hoàn thành vào tháng 5 năm 2002 và Lầu Năm Góc đã được sửa chữa lại trong vòng một năm. Các cuộc tấn công đã khiến 2.977 người thiệt mạng, hơn 25.000 người bị thương và hậu quả sức khỏe kéo dài, cùng với thiệt hại về cơ sở hạ tầng và tài sản ít nhất 10 tỷ USD. Đây vẫn là vụ tấn công khủng bố đẫm máu nhất trong lịch sử nhân loại và là vụ việc gây chết chóc nhất đối với lính cứu hỏa và nhân viên thực thi pháp luật trong lịch sử Hoa Kỳ, với 340 và 72 người thiệt mạng. Việc xây dựng Trung tâm Thương mại Thế giới số Một bắt đầu vào tháng 11 năm 2006 và tòa nhà mở cửa vào tháng 11 năm 2014. Nhiều đài tưởng niệm đã được xây dựng, bao gồm Đài tưởng niệm & Bảo tàng Quốc gia ngày 11 tháng 9 ở Thành phố New York, Đài tưởng niệm Lầu Năm Góc ở Quận Arlington, Virginia và Đài tưởng niệm Quốc gia Chuyến bay 93 tại hiện trường vụ tai nạn ở Pennsylvania.
Chưa đầy 4 tháng kể từ thương vụ cho thuê 99 năm, vụ 11/9 ập đến, toàn bộ khu phức hợp bị phá hủy. Trước đó, Silverstein đã có hợp đồng bảo hiểm trị giá 3.55 tỉ USD với hàng loạt các hãng bảo hiểm khác nhau. Theo bên Silverstein Properties, đây là 2 vụ việc độc lập nhau do 2 chiếc máy bay riêng biệt đâm vào 2 tòa nhà riêng biệt vào 2 thời điểm khác nhau, nên trên lý thuyết, số tiền đền bù ông được hưởng phải gấp đôi, tức 7.1 tỉ USD. Vụ kiện kéo dài trong 6 năm, kết thúc với mức bồi thường 4.577 tỉ USD. Tuy nhiên Silverstein không ôm hết số tiền đó mà chia với Cảng vụ. Đổi lại, Cảng vụ phải cùng hợp tác với Silverstein xây lại những tòa nhà.
Ngày 11 tháng 9 năm 2001, nhóm khủng bố Hồi giáo cướp chiếc máy bay 11 của American Airlines đâm trực diện vào mặt phía Bắc tháp Bắc vào lúc 8:46:40 sáng. Máy bay đâm vào phá hủy từ tầng 93 đến 99. Lúc 9:03:11, chiếc thứ hai, lần này là chiếc 175 của United Airlines đâm vào góc Nam của tháp Nam, phá hủy từ tầng 77 đến 85. Cú đâm từ chuyến 11 khiến toàn bộ cầu thang của tháp 1 bị phá hủy, 1.344 người hoàn toàn bị mắc kẹt bên trên vùng va chạm. Cú đâm từ chuyến 175 do đâm vào góc nên 1 cầu thang bộ vẫn còn sử dụng được, tuy nhiên, chỉ có rất ít người ở trên vùng va chạm thoát ra được bên ngoài trước khi tòa nhà sụp xuống. Mặc dù tháp Nam bị đâm ở vị trí thấp hơn tháp Bắc rất nhiều, nhưng số người thiệt mạng lại ít hơn, khoảng gần 700 người.
Lúc 9:59:00, tháp Nam sụp xuống sau khi bị cháy trong 56 phút. Lửa làm kết cấu thép, thứ vốn đã bị yếu đi nhiều bởi vụ va chạm, nay càng yếu hơn do nở vì nhiệt, khiến công trình đổ sập. Lúc 10:28:22, tháp Bắc chịu chung số phận sau khi cháy 102 phút. Lúc 17:20:27 chiều, phần penthouse phía Đông WTC 7 bắt đầu sụp xuống. Toàn bộ WTC 7 hoàn toàn đổ sập xuống lúc 17:21 chiều do không kiểm soát được ngọn lửa đám cháy, gây ra phá vỡ kết cấu. Không ai thiệt mạng khi WTC 7 đổ xuống.
Khách sạn Marriott World Trade Center bị phá hủy do mảnh vỡ từ 2 tòa tháp trước đó đổ lên. 3 tòa nhà còn sót lại trong khu phức hợp Trung tâm Thương mại Thế giới bị hư hỏng rất nặng nên người ta quyết định phá hủy nốt chúng. Quá trình dọn dẹp mất tám tháng. Tòa nhà Deutsche Bank trên đường Liberty, đối diện khu Trung tâm Thương mại Thế giới được đánh giá là không còn an toàn để ở, phải dỡ bỏ để xây mới. Quá trình dỡ bỏ hoàn tất năm 2011. Đại sảnh Fiterman của trường Cao đẳng Cộng đồng Quận Manhattan nằm tại số 30 West Broadway cũng trong tình trạng hư hỏng nặng không thể sử dụng, phải xây mới lại hoàn toàn.
Ngay sau cuộc tấn công, truyền thông dự đoán con số tử vong có thể lên đến hàng chục nghìn do thường ngày, số người ra vào đây không dưới 50,000. Viện Tiêu chuẩn và Kỹ thuật Quốc gia (NIST) dự đoán có khoảng 17,400 người đang ở trong tháp đôi khi vụ tấn công xảy ra. May thay con số thương vong thực tế thấp hơn dự đoán: 2,977 người thiệt mạng trong vụ tấn công (con số trên không bao gồm 19 tên không tặc), hơn 6,000 người bị thương. Trong đó, 2,606 người chết tại Trung tâm Thương mại Thế giới, 246 người trên 4 chiếc máy bay (không bao gồm 19 không tặc), 125 người ở Lầu Năm Góc. Trong số 2,606 người tại Trung tâm Thương mại Thế giới, 2,192 người là dân thường, 414 người là các cảnh sát, cứu hỏa,... đang làm nhiệm vụ. 2,507/2,977 người mang quốc tịch Mỹ, 470 nạn nhân còn lại đến từ 64 quốc gia khác nhau, chiếm 15.79%. Chỉ có 20 người sống sót được kéo ra từ đống đổ nát.
Ngay trong năm sau, nhiều kế hoạch được đưa ra nhằm tái xây dựng Trung tâm Thương mại Thế giới. Cơ quan Phát triển Hạ Manhattan (Lower Manhattan Development Corporation, viết tắt LMDC) được thành lập tháng 11 năm 2001 để giám sát quá trình tái xây dựng cũng như tổ chức cuộc thi nhằm chọn ra ý tưởng thiết kế cho khu tưởng niệm. Bản Memory Foundation do Daniel Libeskind thiết kế được chọn làm ý tưởng chính, tuy nhiên thiết kế sau đó bị thay đổi nhiều chỗ so với ý tưởng ban đầu.
WTC 7 mọc lên đầu tiên, khánh thành ngày 23 năm 5 năm 2006, tiếp đến là phần tưởng niệm và phần bảo tàng của Khu Tưởng niệm và Bảo tàng Quốc gia 11/9 mở cửa lần lượt vào ngày 11 tháng 9 năm 2011 và 21 tháng 5 năm 2014, WTC 1 vào ngày 3 tháng 11 năm 2014, WTC 4 vào 13 tháng 11 năm 2013, WTC 3 vào 11 tháng 6 năm 2018.
Khung cảnh nhìn từ bên trong Tháp Tự do, tòa nhà hiện cao nhất nước Mỹ. Một đài quan sát sẽ được mở cửa đón công chúng. Từ vị trí trên tòa nhà cao nhất nước Mỹ này, du khách sẽ có cái nhìn toàn cảnh thành phố New York. Ảnh: Karen Fuchs/The Sunday Telegraph.