Cuộc thi Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo
Hun đúc tinh thần lập nghiệp cho thế hệ trẻ
Cập nhật ngày: 26/12/2021 05:33:32
ĐTO - Cuộc thi Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo (KN&ĐMST) tỉnh Đồng Tháp năm 2021 được tổ chức trong bối cảnh đặc biệt khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, cuộc thi năm nay nhận được nhiều sự quan tâm, tham gia của các thí sinh đến từ 10 tỉnh, thành phố trong cả nước với 103 ý tưởng, dự án thuộc nhiều lĩnh vực. Đáng chú ý là có nhiều dự án triển vọng về giải pháp chế biến, khai thác, tạo giá trị gia tăng tài nguyên bản địa được các thí sinh đầu tư rất công phu và chỉn chu.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa đánh giá cao tính ứng dụng, triển vọng phát triển của dự án “Sản xuất và kinh doanh cây giống cấy mô” của thí sinh Nguyễn Phượng Hằng
Những năm qua, tỉnh dành nhiều chính sách thúc đẩy phong trào khởi nghiệp, đưa Đồng Tháp là một trong những địa phương có phong trào khởi nghiệp phát triển mạnh mẽ trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Một trong những chương trình ươm mầm và tạo được sức lan tỏa đến cộng đồng khởi nghiệp nhiều nhất phải kể đến Cuộc thi KN&ĐMST tỉnh Đồng Tháp. Sau hơn 5 năm tổ chức, cuộc thi trở thành “sân chơi” bổ ích giúp cho nhiều thế hệ bạn trẻ có dịp để cọ xát với thực tế, kiểm chứng những ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo của mình để từ đó quyết tâm hơn với con đường khởi sự lập nghiệp.
Cuộc thi KN&ĐMST tỉnh Đồng Tháp năm 2021 diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng nhiều dự án tham gia được Ban tổ chức cuộc thi đánh giá cao về ý tưởng cũng như triển vọng phát triển. Thí sinh Đoàn Thị Hồng Thắm (TP Cần Thơ) đạt giải Nhất cuộc thi KN&ĐMST tỉnh Đồng Tháp năm 2021 bộc bạch: “Điều mà tôi cảm thấy hạnh phúc và ấm áp nhất khi tham gia cuộc thi này đó là nhận được nhiều lời khuyên, góp ý từ Ban giám khảo. Thông qua sự đánh giá và góp ý này giúp tôi có thêm nhiều kiến thức để thực hiện chiến lược phát triển sản phẩm, phát triển thị trường phù hợp. Bên cạnh đó, cuộc thi còn là cơ hội để sản phẩm được tiếp cận nhiều hơn với người tiêu dùng”.
Đạt giải Nhì tại cuộc thi, thí sinh Nguyễn Phượng Hằng - chủ nhân của Dự án “Sản xuất và kinh doanh cây giống cấy mô”, huyện lấp Vò chia sẻ: “Những giá trị của cuộc thi mang lại không chỉ là giải thưởng mà còn là cơ hội để bản thân em cọ xát hơn với thực tiễn. Những đóng góp ý kiến, chia sẻ chân tình của Ban giám khảo giúp em nhận biết những thế mạnh và điểm yếu của dự án để tiếp tục học hỏi, trau dồi nhằm hoàn thiện sản phẩm. Từ đó, giúp em thêm vững tin hơn trên con đường thực hiện ước mơ và đóng góp một phần công sức của mình vào công cuộc xây dựng nền nông nghiệp hiện đại cho quê hương”.
Cuộc thi năm nay thu hút nhiều dự án của các thí sinh từ nhiều tỉnh, thành phố tham gia
Hướng đến mục tiêu xây dựng Đồng Tháp - địa phương khởi nghiệp, sau các cuộc thi, các startup không đơn độc trên hành trình khởi nghiệp mà họ còn được giúp sức từ chính quyền địa phương, các tổ chức, chuyên gia và sự dìu dắt từ cộng đồng doanh nghiệp dẫn đầu tại Đồng Tháp.
Cuộc thi KN&ĐMST tỉnh Đồng Tháp năm 2021 do Ban Thường vụ Tỉnh đoàn, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp tổ chức vừa diễn ra thành công tốt đẹp.
Với sự đầu tư chỉn chu, đáp ứng các tiêu chí của Cuộc thi, Dự án “Sản xuất dược trà - khai thác giá trị dược liệu từ nông sản” của thí sinh Đoàn Thị Hồng Thắm (TP Cần Thơ) xuất sắc đạt giải Nhất. Dự án “Sản xuất và kinh doanh cây giống cấy mô” của thí sinh Nguyễn Phượng Hằng (huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) và dự án “Mắm chao cá Mè Vinh” của thí sinh Trần Thị Kim Ngân (tỉnh An Giang) vinh dự đạt giải Nhì. Ngoài ra, Ban tổ chức còn trao 3 giải Ba cho các dự án.
Giải nhất ý tưởng thuộc về dự án Robot tuần tra hệ thống cống, rãnh của nhóm tác giả Phan Nguyễn Hạnh An (tỉnh Đồng Tháp).
Ông Mai Thanh Nghị - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Doanh nghiệp và Khởi nghiệp tỉnh cho biết, từ việc ươm mầm, nuôi lớn các ý tưởng khởi nghiệp và phát triển nó thành các dự án thành công là cả một quá trình. Do đó, để giúp cho các bạn trẻ khởi nghiệp đi đúng hướng và rút ngắn được những sai lầm, thất bại trong quá trình khởi nghiệp, thời gian qua, Đồng Tháp triển khai nhiều chương trình hỗ trợ các startup. Trong đó, phối hợp với Câu lạc bộ Doanh nghiệp dẫn đầu tỉnh Đồng Tháp, tổ chức Startup Vietnam Foundation (SVF), các chuyên gia... để chia sẻ, định hướng phù hợp cho các bạn trẻ khởi nghiệp tỉnh nhà. Thông qua các chương trình tập huấn ngắn, dài hạn, các bạn khởi nghiệp được tiếp cận nhiều kiến thức chuyên môn về quản lý tài chính doanh nghiệp, chiến lược marketing cho sản phẩm, xây dựng nhãn hiệu bao bì sản phẩm, sự cần thiết của việc chuyển đổi số trong doanh nghiệp, áp dụng thương mại điện tử... Bằng những chia sẻ thực tế từ các chuyên gia là chủ các doanh nghiệp đi trước, các bạn trẻ có cơ hội để hiểu hơn về thị trường, từ đó có những điều chỉnh phù hợp trong sản xuất, xây dựng chiến lược marketing cho sản phẩm...
Để các sản phẩm khởi nghiệp của Đồng Tháp đến gần hơn với thị trường, thời gian qua, Đồng Tháp đẩy mạnh các chương trình kết nối, xúc tiến thương mại. Bên cạnh đó, phong trào khởi nghiệp của Đồng Tháp còn được sự giúp sức từ các doanh nghiệp của tỉnh. Nhiều năm qua, một số doanh nghiệp lớn của tỉnh Đồng Tháp cũng lựa chọn sản phẩm của các bạn khởi nghiệp vào giỏ quà Tết để tặng cho các đối tác, khách hàng... Đây được xem là hoạt động hỗ trợ thiết thực trong việc giúp sản phẩm khởi nghiệp của Đồng Tháp được nâng tầm, kết nối tốt hơn với thị trường.
Phát biểu tại buổi lễ tổng kết, trao giải Cuộc thi KN&ĐMST tỉnh Đồng Tháp năm 2021, ông Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp bày tỏ niềm tự hào trước những ý tưởng, sự sáng tạo của các thí sinh tham gia cuộc thi. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, năm nay, chất lượng cuộc thi có sự chuyển biến rõ nét, phát huy các giá trị tài nguyên bản địa, tiến đến những sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao. Thông qua cuộc thi, Đồng Tháp mong muốn hun đúc tinh thần lập thân lập nghiệp trong giới trẻ, bởi chính tư duy mong muốn đổi mới, làm giàu cho quê hương từ những giá trị tài nguyên bản địa là động lực quan trọng để phát triển kinh tế vùng nông thôn. Hiện Đồng Tháp đang dành nhiều chính sách, chương trình hỗ trợ để cùng đồng hành giúp cộng đồng khởi nghiệp tỉnh nhà phát triển...
Trung Quốc chính thức ban hành luật giáo dục yêu nước từ đầu năm nay (Ảnh: DW).
Straits Times đưa tin, luật trên chính thức có hiệu lực vào ngày 1/1 và thu hút nhiều sự quan tâm từ các bậc phụ huynh và dư luận nước này.
Theo People's Daily, Luật Giáo dục Yêu nước, được thông qua vào tháng 10/2023, có mục tiêu nhằm "khuyến khích hơn nữa bầu không khí xã hội mạnh mẽ cho lòng yêu nước".
Ông Zeng Jianli, phó giám đốc ban tuyên truyền trung ương của Đảng Cộng sản Trung Quốc nói với tờ New York Times rằng: "Có một nhu cầu thiết thực là phải thống nhất tư tưởng và tập hợp sức mạnh cho sự nghiệp vĩ đại là xây dựng đất nước hùng cường và trẻ hóa đất nước".
Với sự thay đổi về mặt pháp luật, các trường học và công ty Trung Quốc phải đưa giáo dục lòng yêu nước vào chương trình giảng dạy và hoạt động của họ như quản lý kinh doanh và đào tạo nghề.
Luật quy định cha mẹ cũng nên "đưa tình yêu quê hương vào việc giáo dục trong gia đình".
Ngoài ra, các biện pháp sẽ được thực hiện để tăng cường lòng yêu nước của người dân ở đặc khu Hong Kong và Ma Cao, tăng cường tuyên truyền và giáo dục về việc thống nhất Trung Quốc với Đài Loan, đồng thời tăng cường liên lạc với cư dân Hoa kiều và Đài Loan.
Theo luật mới, các biểu tượng quốc gia như quốc kỳ, quốc huy Trung Quốc và các anh hùng của đất nước sẽ không được phép bị xúc phạm. Chính quyền sẽ tiến hành kiểm tra và bên nào không tuân thủ các quy định sẽ dẫn đến các biện pháp xử phạt theo quy định của pháp luật.
Hong Kong, Đặc khu hành chính (SAR) của Trung Quốc được quản lý theo mô hình "một quốc gia, hai chế độ", có kế hoạch thành lập một đơn vị giáo dục yêu nước, trong khi Ma Cao cho biết các biện pháp sẽ được thực hiện để tăng cường lòng yêu nước tại đây.
Chuyên gia Dylan Loh tại chương trình Chính sách công và Các vấn đề toàn cầu của Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore) nói với Straits Times rằng luật này được đưa ra khi Trung Quốc đã "xác định được những rủi ro, đặc biệt là ở một bộ phận người dân tỏ ra thờ ơ về mặt chính trị".
Trên nền tảng Weibo, một hashtag về Luật Giáo dục Yêu nước đã thu hút khoảng 98,1 triệu lượt xem và tạo ra khoảng 11.000 chủ đề thảo luận. Đây cũng là một trong những chủ đề được tìm kiếm nhiều nhất khi luật được thông qua vào tháng 10.
Chủ đề này thu hút nhiều ý kiến khác nhau, khi nhiều người đặt ra câu hỏi về việc liệu tình yêu nước có nên bị cưỡng ép thực hiện hay không.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến tỏ ra ủng hộ luật. Ông Li Yong, 42 tuổi, có con gái đang theo học tại một trường công ở Bắc Kinh, hoàn toàn ủng hộ luật mới. "Dạy con cái chúng ta lòng yêu nước thì có gì sai?", ông cho hay.
Ông Li, người làm quản lý dự án tại một doanh nghiệp nhà nước, cho biết ông lo ngại rằng thế hệ trẻ lớn lên sẽ bị ảnh hưởng về mặt đạo đức vì sự phát triển nhanh chóng của Trung Quốc trong những thập niên gần đây có thể dẫn tới việc "thanh niên Trung Quốc có đặc tính tư bản hơn cha mẹ của họ".
- “Việt Nam yêu hòa bình”, “Con yêu hòa bình”, “Yêu nước có ý thức”… là nội dung của hơn 20.000 logo sẽ được nhóm tình nguyện Việt Nam yêu hòa bình phát miễn phí để mọi người có thể dán lên mũ bảo hiểm xe máy với mục đích tuyên truyền, kêu gọi người dân Việt Nam hãy yêu nước tỉnh táo và đúng cách. Đồng thời không làm xấu đi hình ảnh của nước Việt Nam đối với bạn bè quốc tế.
Trước tình hình căng thẳng giữa VN và TQ như hiện nay, sau sự việc Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam gây bức xúc trong dư luận suốt thời gian qua. Thật dễ hiểu khi tình hình ai cũng muốn làm một việc gì đó để thể hiện tình yêu nước, nhưng một số người lại có phản ứng quá đà như biểu tình, rồi thậm chí đập phá máy móc, cướp bóc, hôi của, kỳ thị người Hoa, khiến Việt Nam khá mất điểm trong con mắt bạn bè quốc tế...
Xuất phát từ tâm nguyện muốn làm một điều ý nghĩa cho đất nước lúc khó khăn của những bà mẹ trẻ, những bà mẹ đang nghỉ sinh em bé, những em học sinh, những người Việt Nam sống ở nước ngoài, những người buôn bán nhỏ trên mạng facebook…tất cả đã kêu gọi nhau lại thành lập nhóm “Việt Nam yêu hòa bình - Peace for Vietnam”. Mục đích của việc thành lập nhóm là khơi dậy tinh thần yêu nước, hành động vì đất nước nhưng không quá khích, bạo động. Đặc biệt, nhóm đã đi đến những hành động cụ thể và thiết thưc.
Các sticker truyền tải thông điện yêu nước sẽ được dán lên mũ bảo hiểm
Các admin của nhóm đã họp bàn và nảy ra một ý tưởng nho nhỏ đó là tổ chức in và phát miễn phí các miếng dán sticker lên mũ bảo hiểm của người đi đường với các thông điệp như: Việt Nam yêu hoà bình, Con yêu hòa bình, Tôi yêu hòa bình… kêu gọi yêu nước từ những hành động nhỏ nhất, yêu nước cần có trái tim nóng và một cái đầu lạnh, nhắn tin ủng hộ Trường Sa... Đặc biệt các sticker này có thể được dịch sang nhiều thứ ngôn ngữ để bạn bè quốc tế cũng có thể hiểu được những thông điệp mà nhóm muốn truyền tải.
Sở dĩ nhóm lựa chọn việc thể hiện hành động yêu nước đầu tiên là việc phát miễn phí các Sticker là bởi Việt Nam có tới gần 4,5 triệu chiếc xe máy, tất cả những người tham gia giao thông đều phải đội mũ bảo hiểm (cả người lớn và trẻ em).
Việc nhiều người cùng đội những chiếc mũ mang thông điệp yêu nước, yêu hoà bình, kêu gọi ý thức cộng đồng, thì đây chính là cách "biểu tình" văn minh và có trật tự nhất, không tốn sức kêu gào, không gây mất trật tự mà vẫn hiệu quả. Quan điểm của nhóm là không in các slogan nặng nề kêu gào đả đảo, mà sẽ hướng tới các slogan thân thiện mang tính tuyên truyền về yêu nước có ý thức, ủng hộ Nhà nước, ủng hộ hoà bình...
Sẽ có khoảng trên 20.000 sticker sẽ được phát miễn phí để kêu gọi mọi người hãy yêu nước đúng cách để không làm xấu hình ảnh của Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế
Nói về nguồn kinh phí cho việc in và phát miễn phí các miếng dán Sticker, Admin C.N.H - một người khá năng nổ trong các hoạt động từ thiện qua mạng xã hội facebook - cũng chính là người thiết kế những logo yêu nước nói trên trên chia sẻ: “Kinh phí in ấn đợt đầu tiên mà nhóm dự tính hết khoảng 16 triệu đồng. Trong đó nhóm đã có gần 10 triệu đồng là tiền còn dư lại của các chương trình thiện nguyện do tôi và bạn bè phát động và đóng góp trong hơn một năm qua. Đơn cử như chương trình Gieo yêu thương, Phát lì xì tết cho người vô gia cư, Ủng hộ trẻ em bệnh tật bị mổ tim.... Vì vậy xem như đây là sự chung tay đóng góp của rất nhiều tấm lòng nhân ái chứ không chỉ là của cá nhân nào cả. Số tiền còn lại chủ yếu do các thành viên nhóm cùng đóng gói, mỗi người có bao nhiêu đóng góp bấy nhiêu, với tấm lòng hướng đến chủ quyền biển đảo của tổ quốc".
Đến nay nhóm đã tiến hành in hàng loạt các sticker. Theo đó, các thành viên của nhóm sẽ đi phát sticker cho người thân, bạn bè, người đi đường, người nước ngoài chủ động giúp họ dán các sticker này lên mũ bảo hiểm. Ngoài ra nhóm còn có fanpage Việt Nam yêu hoà bình-Peace for Vietnam trên trang facebook, mọi người dân quan tâm có thể truy cập vào fanpage tự lấy mẫu in hay đăng kí nhận các sticker miễn phí.
“Nhóm cũng đã nhận được đăng ký nhận các sticker miễn phí từ các tổ chức như: Trường ĐH RMIT, Trường THCS Tân Định, Cty TNHH Brother VN…. Bên cạnh đó, nhóm sẽ nhờ TW Đoàn Thanh niên phát cho các bạn sinh viên tình nguyện, lập các nhóm nhỏ đi phát cho các bạn người nước ngoài ở Hà Nội và TP HCM”, chị C.N.H Nói.
Anh Doãn Hồng Hà, Phó trưởng ban Thanh niên trường học Trung ương Đoàn cho biết đây là ý tưởng hay, truyền tải thông điện yêu hòa bình nên có thể triển khai rộng rãi được. Trung ương Đoàn khuyến khích thanh niên biểu thị lòng yêu nước bằng nhiều sách nhưng trên tinh thần hiểu biết, đúng pháp luật, hành động văn minh mục đích là làm sao để mọi người dân, thanh niên Việt Nam và bạn bè thế giới hiểu được Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân Việt Nam luôn yêu chuộng hòa bình.